TIẾN NHẤT THÀNH
Vé Máy Bay TIẾN NHẤT THÀNH
Giá vé rẻ nhất - Phục vụ tốt nhất

SÂN BAY PHÚ BÀI - HUẾ

Thứ 6, 24/07/2015, 11:44 GMT+7

Sân bay Phú Bài - Huế được nhiều hành khách đi du lịch hay đi công tác lần đâu tiên đến Huế tìm hiểu thông tin rất nhiều trong thời gian gần đây. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về sân bay Phú Bài khi đặt mua vé máy bay đi Huế, Tổng đại lý vé máy bay Tiến Nhất Thành xn chia sẻ đến Quý khách hàng một số thông tin cơ bản về Sân bay Phú Bài.

Sân bay Phú Bài, tên tiếng Anh:      PhuBai International Airport (PIA)

Địa chỉ:                 Khu 8 – Phường Phú Bài – Thị Xã Hương Thủy – Thừa Thiên Huế

Điện thoại/FAX:   (054) 3861131; (054) 3862520,

AFS:      VVPBYDYX.               SITA:     HUIKKVN

Mã cảng hàng không (code): HUI

Nhà ga hành khách: gồm 02 tầng với diện tích là 6539m2. Đường cất hạ cánh (Runway): 01 đường cất hạ cánh với độ dài là 2.700m; rộng 45m. Sân đỗ tàu bay (Apron): kích thước 298m x 103,5m. Công suất: 1,5 triệu lượt hành khách/năm. Giờ phục vụ:  24/24h.

Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài có vị trí, vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực Bắc miền Trung; là cầu nối giữa các miền trong nước và quốc tế. Với đặc điểm là một ngành vận tải có tính ưu việt về tốc độ, thời gian phục vụ, vì vậy Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài thực sự đóng vai trò quan trọng trong khai thác tiềm năng du lịch của cố đô Huế cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thương, thu hút các dự án đầu tư và phát triển một số ngành tiềm năng như giáo dục, chữa bệnh, điều dưỡng, du lịch sinh thái…, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2014.

1. Vị trí Sân bay Phú Bài:

Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài nằm bên Quốc lộ 1A, trong địa giới hành chính thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế; cách trung tâm thành phố Huế 13 km (khoảng 20 phút đi ô tô) về phía Đông Nam.

Tọa độ của điểm quy chiếu sân bay là giao điểm của tim đường lăn E1 và trục đường cất hạ cánh 09/27; được xác định theo hệ thống trắc địa toàn cầu 1984 (WGS-84) là: 16º24’02.30”N - 107º42’2310”E;

Mức cao điểm quy chiếu sân bay so với mực nước biển trung bình là 14,65m.

Địa thế cảng hàng không: Cảng hàng không quốc tế Phú Bài nằm ở khu vực tương đối bằng phẳng, phía Đông sân bay địa hình tương đối thấp so với phía Tây. Đường CHC có độ dốc trung bình từ Tây sang Đông là - 0.4%.

2. Quá trình phát triển Sân bay Phú Bài:

Sân bay Phú Bài được xây dựng trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta (năm 1940), có đường băng bằng đất nện kích thước 1280m x 40 m. Sau đó được người Mỹ nâng cấp , cải tạo thành đường băng bê tông nhựa kích thước 1800m x 40 m.

 

Hòa bình lập lại, sân bay Phú Bài được thành lập và đưa vào khai thác ngày 26/3/1976, là tiền thân của Cảng hàng không Phú Bài. Chức năng và nhiệm vụ của sân bay Phú bài thời điểm này là sân bay hỗn hợp, dùng chung quân sự và hàng không dân dụng.

Ngày 25/4/1994 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 191/TTg phê duyệt phương án cải tạo, kéo dài đường hạ cất cánh Cảng Hàng không Phú Bài về phía Đông thêm 900 m để có thể tiếp nhận các loại máy bay tầm trung và giao cho Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam lập Đề án quy hoạch xây dựng tổng thể Cảng hàng không Phú Bài.

Ngày 29/8/2007 Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định Cảng hàng không Phú Bài là Cảng hàng không quốc tế. Phú Bài trở thành Cảng hàng không quốc tế thứ 4 của cả nước.

Ngày 17/7/2009 Thủ tướng chính phủ ra quyết định về việc Phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Bài giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. nâng cấp sân bay lên 4E, sân bay quân sự cấp 1, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; tiếp nhận được máy bay B767, B777-200LR và tương đương.

Qua quá trình phát triển từ Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đến Công ty Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Công ty TNHH MTV Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, đến nay Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài là chi nhánh trực thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Thực hiện Nghị quyết của Đảng về tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, với tiềm năng của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Phú Bài sẽ có nhiều cơ hội để phát triển kiến trúc hạ tầng ngang tầm các sân bay hiện đại trong nước.

3. Cơ sở hạ tầng:

Sân bay Phú Bài là sân bay hàng không dân dụng cấp 4C, có 01 đường cất hạ cánh cùng hệ thống đường lăn bằng bê tông nhựa và 01 sân đỗ, được phép tiếp nhận không hạn chế các chuyến bay thường lệ, không thường lệ, các tàu bay tư nhân tương đương Airbus A320/321trở xuống. Thời gian hoạt động 24/24 giờ hàng ngày.

3.1. Đường cất hạ cánh (CHC):

 Sân bay Phú Bài có 1 đường cất hạ cánh theo hướng Đông-Tây với tên gọi 09/27:  Hướng địa lý: 092o40’19’’-272 o40’19’’. Độ lệch từ:  01o Tây. Ký hiệu đường cất hạ cánh: 09/27. Mã hiệu theo Phụ ước 14 ICAO: Code 4C. Chiều dài: 2.700m. Chiều rộng: 40m

Độ dốc dọc trung bình (tính từ đầu đường CHC 09 đến đầu 27): - 0,4 %. Độ dốc ngang điển hình: ± 1%. Tọa độ ngưỡng đường CHC 09: 16o24'04.65''N - 107o41'27.95''E.  Tọa độ ngưỡng đường CHC 27: 16o23'59.78''N - 107o42'58.83''E. Loại mặt đường, sức chịu tải công bố theo phương pháp ACN/PCN: 42 F/B/W/T

- Vùng không có chướng ngại vật (OFZ) trong khu vực tiếp cận hạ cánh chính xác: ăngten cao 06m (19 bộ); ăngten cao 6,2m (20 bộ).

Các cự ly công bố: Đường CHC 09: Cự ly chạy đà có thể cất cánh  (TORA) = 2.700m; Cự ly có thể cất cánh           (TODA)  = 2.840m; Cự ly có thể dừng khẩn cấp (ASDA)  = 2.760m; Cự ly có thể hạ cánh (LDA) = 2.700m.

+ Đường CHC 27: Cự ly chạy đà có thể cất cánh   (TORA) = 2.700m; Cự ly có thể cất cánh (TODA) = 2.870m; Cự ly có thể dừng khẩn cấp (ASDA)              = 2.730m; Cự ly có thể hạ cánh (LDA) = 2.700m. Dải bay (Runway strip):Chiều dài, chiều rộng:  2.820 m x 150m (75 m cho mỗi bên). Lề đường cất hạ cánh:Chiều rộng 5m (cho mỗi bên) và mặt đường bằng bê tông nhựa

Đoạn dừng (Stopway):Chiều dài, chiều rộng: Đầu 09: 60 m x 40m; Đầu 27: 30 m x 40m; Vật liệu mặt đường các đoạn dừng: Bằng bê tông nhựa. Khoảng trống (Clearway): Ở 2 đầu đoạn đường Stopway. Đầu 09: Kích thước 170 m x 160m;  Đầu 27: Kích thước 140 m x 150m. Dải bảo hiểm hai bên sườn đường CHC bằng đất, từ đầu CHC 09 đến 2000m ở phía Bắc rộng 80m và phía Nam rộng 120m; đoạn 700m còn lại ở phái Bắc rộng 50m và phía Nam rộng 75m. Hai đầu đường CHC có sân quay đầu.

3.2. Đường lăn:

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có hệ thống đường lăn nằm ở sườn phía Nam của đường CHC 09/27; gồm 01 đường lăn chính và 06 đường lăn nối.  

Đường lăn chính: Đường lăn chính nằm song song với đường CHC 09/27 về phía Nam có tên gọi là đường lăn SP: Loại mặt đường: bê tông nhựa; Chiều dài: 1.640m; Chiều rộng: 18m; Sức chịu tải: 45 F/B/W/T

Đường lăn nhánh: Ngoài đường lăn chính, sân bay con có các đường lăn nhánh nối giữa đường CHC 09/27 và đường lăn SP; có kích thước và tên gọi (được tính từ Tây sang Đông) như sau:

W4:   180m x 18m;  E1:    180m x 18m W3:   190m x 18m; E2: 180m x 75m; W2:   200m x 18m;  W1:   190m x 18m.

Hiện tại, các đường lăn W4, W3, W2, W1, E2 và một phần đường lăn chính SP (đoạn từ W4 đến W1 và đoạn từ E1 đến E2) xuống cấp, chưa xác định được sức chịu tải nên không sử dụng. Tàu bay chỉ sử dụng đường lăn E1 và phần còn lại của đường lăn SP.

Loại mặt đường của đường lăn E1: Bê tông nhựa. Sức chịu tải: 45 F/B/W/T.

3.3. Sân đỗ:

Sân bay Phú Bài có 01 sân đỗ nằm liền với đường lăn chính SP có kích thước: 298m x 103,5m.

Trong sân đỗ được phân chia thành 06 vị trí đậu cho các loại tàu bay tương đương A320/A321 trở xuống, sân đỗ có kẻ hệ thống hướng dẫn lăn, vị trí đỗ bằng sơn màu vàng theo tiêu chuẩn quy định.

Loại tầng phủ, sức chịu tải của hệ thống sân đỗ: Bê tông xi măng, cho phép được tiếp nhận các loại tàu bay có ACN bằng PCN công bố (45R/B/W/T) của sân đỗ.

Phương thức vận hành: tàu bay tự lăn vào vị trí đậu và dùng xe kéo đẩy tàu bay ra đường lăn SP để khởi hành.

4.Nhà ga hành khách:

Nhà ga hành khách Cảng HKQT Phú Bài là nơi diễn ra các hoạt động cung ứng các dịch vụ khách đi, đến và các hoạt động thương mại tại Cảng HKQT Phú Bài, với lưu lượng theo thiết kế công suất 600 hành khách/giờ cao điểm.

Nhà ga hành khách Cảng HKQT Phú Bài hoàn thành vào năm 2004. Nhà ga có 02 tầng với tổng diện tích mặt bằng vào khoảng 5400m2. Được trang bị các trang thiết bị phục vụ khai thác hàng không và phi hàng không, bao gồm:

- Cửa ra tàu bay: (Gate);  Quầy thủ tục: (Check – in Counter); Băng tải hành lý: (Baggages Conveyor); Phòng C: ( C room ); Phòng VIP ( VIP room ); Quầy hành lý thất lạc: ( Lost & Found Counter ); Quầy thông tin du lịch: ( Tourism Information Counter ); Phòng y tế: ( Firt Aid )

- Phương tiện khẩn nguy cứu nạn: Xe chữa cháy: ( Fire Fighting Vehicles ); Xe cứu thương: ( Ambulance )                              

4.1. Tầng 1: Dành cho khách đến và làm thủ tục các chuyến bay đi. Diện tích: 2700m2

Tầng 1 bao gồm các khu vực công cộng và khu vực hạn chế quốc tế đến, nội địa đến, khu vực làm thủ tục hành khách, khu vực kiểm tra an ninh hành khách, hành lý, hàng hoá, phòng dành cho khách đặc biệt và 01 phòng dành cho khách Vip; các quầy hàng, cửa hàng giải khát, cửa hàng ăn nhanh, quầy giao dịch của ngân hàng, cây rút tiền tự động, quầy thông tin du lịch, phòng y tế sân bay, quầy hành lý thất lạc, băng chuyền hành lý, phòng làm việc của các bộ phận chuyên môn làm việc tại nhà ga, phòng làm việc của các hãng hàng không.

Lượng người hoạt động tại tầng 1 chủ yếu là hành khách, nhân viên hàng không và nhân viên các doanh nghiệp làm việc tại nhà ga Cảng HKQT Phú Bài với số lượng tương đối lớn, vào giờ cao điểm có thể tập trung khoảng 400 người.

4.2. Tầng 2: Dành cho khách đi – Diện tích: 2700m2

Tầng 2 bao gồm các khu vực hạn chế, khu vực cách ly quốc tế, nội địa, các quầy hàng lưu niệm, quầy hàng giải khát, ăn nhanh, phòng dành cho khách Vip và khách hạng thương gia.

Lượng người hoạt động hoạt động tại tầng 2 nhà ga hành khách Cảng HKQT Phú Bài chủ yếu là hành khách và nhân viên làm việc với số lượng tương đối lớn, vào giờ cao điểm có thể tập trung vào khoảng 500 người.

5. Hoạt động hàng không:

Từ sau ngày miền Nam giải phóng, ngành Hàng không Dân dụng đã tổ chức khai thác các loại máy bay AN - 24 và JAK - 40. Quân sự sử dụng AN 26, AN 2 Mi 6, Mi 8, Mi 17. Sau khi nước ta chuyển nền kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, song song phát triển chung của đất nước thì ngành hành không cũng phát triển vượt bậc. Sân bay Phú bài đã có những máy bay hiện đại và lịch bay ổn định; tháng 7/1992 bắt đầu khai thác máy bay ATR-72 bay tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1993 mở thêm tuyến Hà Nội - Huế - Hà Nội, cuối năm 1996 khai thác thêm các loại tầu bay F70, A320 thời gian hoạt động 12/24 giờ trong ngày.

Do nhu cầu phát triển du lịch tại Thừa Thiên Huế sau khi cố đô Huế được công nhân là Di sản văn hóa thế giới, cùng với Lễ hội Festival bắt đầu từ năm 2000 trở thành lễ hội truyền thống 2 năm tổ chức 1 lần. Do vậy nhu cầu đi lại cầu hàng không tại Huế rất cao, đặc biệt là khách nước ngoài, đòi hỏi Cảng hàng không cũng phải phát triển đầu tư kiến trúc hạ tầng cơ sở và trang bị kỹ thuật. Cảng hàng không Phú Bài từ năm 2000 – 2004 đã đầu tư: Hệ thống đèn tín hiệu; Hệ thống ILS ; Hệ thống khí tượng tự động AW11; Đài DVOR/DME (năm 2001) ; Đài LOC, GP, DME ; xây dựng nâng cấp mở rộng toàn bộ nhà ga ; sân đậu tầu bay ; sân đỗ ô tô, lúc này sân bay hoạt động 24/24 giờ trong ngày, đồng thời làm sân bay dự bị cho các đường bay quốc nội và quốc tế (khi các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng quá tải).

Hiện nay, lịch bay thường kỳ 16 chuyến/ngày (112 chuyến/tuần) bằng máy bay Airbus-320,  Airbus-321, khai thác chặng bay Hồ Chí Minh - Huế - Hồ Chí Minh và Hà Nội - Huế - Hà Nội. Từ năm 2000 đến nay, lượng khách thông qua nhà ga đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 10%; năm 2011 chỉ tiêu sản lượng đạt: 5800 chuyến bay; 780.000 hành khách; 1660 tấn  hàng hóa. Ngoài ra còn phục vụ các chuyến bay chuyên cơ, đoàn ngoại giao, du lịch…, cứu thương quốc tế, quốc nội; bay MIA, bay chụp ảnh, thăm dò địa chất…; Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đã ký Hợp đồng Phục vụ mặt đất với Hãng hàng không VNA, JPA, VASCO, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang tiến hành ký Hợp đồng với Hãng hàng không Vietjetair bay tại Phú Bài; các hãng hàng không truyền thống là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines.

Với tiềm năng lợi thế vốn có về văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh ở Huế và Bắc miền Trung và sự phát triển không ngừng của ngành hàng không và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài sẽ được đầu tư hiện đại xứng tầm, đáp ứng nhu cầu của xã hội; là điểm đến an toàn, là cửa ngõ, cầu nối giữa các vùng miền trong nước và quốc tế; xứng đáng vị trí, vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực bắc miền Trung.

Quý khách cần tư vấn hoặc hỗ trợ đặt vé máy bay đi Huế, xin vui lòng gọi đến Tổng đại lý vé máy bay Tiến Nhất Thành để các bookers hỗ trợ kịp thời cho Quý khách. Cảm ơn Quý khách đã cho chúng tôi cơ hội được phục vụ.

Người viết: admin

0

Thêm vào giỏ hàng thành công